Mô tả
Sách – Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn Và Hồng Danh
Tác Giả: Thích Nhật Từ
Năm xuất bản: 2011
Nhà Xuất Bản: NXB Tôn Giáo
Số Trang: 46
Nhà phát hành: Thanh Duy
Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn Và Hồng Danh gồm 3 phần: phần dẫn nhập, phần chánh Kinh, phần sám nguyện và hồi hướng.
Phần chánh Kinh gồm có 2 nghi thức: Lạy Sám Hối Sáu Căn của vua Trần Thái Tông trong Khoá Hư Lục và Lạy Sám Hối Hồng Danh (Hồng Danh Bửu Sám). Phần đảnh lễ hồng danh của mười tám vị Phật và Bồ Tát trong phần Lạy Sám Hối Sáu Căn do tác giả biên soạn, dung hoà tinh thần Phật giáo Nam tông và Bắc tông.
Hai nghi thức này có thể được thay thế cho nhau trong 2 kỳ sám hối định kỳ của mỗi tháng. Có thể mặc ước nghi thức Lễ Sám Hối Sáu Căn sử dụng vào ngày 14 âm lịch. Và nghi thức Lễ Sám Hối Hồng Danh sử dụng vào ngày trước ngày cuối tháng (tháng đủ thì sám hối ngày 29, tháng thiếu sám hối ngày 28 âm lịch), hoặc ngược lại. Trong trường hợp không có nhiều thời giờ, hành giả có thể “phối hợp” phần đảnh lễ hồng danh của mười tám vị Phật và Bồ Tát trong nghi thức Lễ Sám Hối Sáu Căn và phần sám văn của nghi thức Lễ Sám Hối Hồng Danh để có một nghi thức ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa và trang nghiêm.
Sai lầm và tội lỗi thường được quan niệm như những thuộc tính của con người. Chúng là những thực tại tâm lý đạo đức, biểu hiện dưới hai dạng thức tiềm ẩn và cụ thể. Biểu hiện tiềm ẩn của tội là những động cơ sai trái, suy nghĩ bất thiện, thái độ tham lam, sân hận và si mê. Biểu hiện cụ thể của tội là qua lời nói, hành động … có khuynh hướng đem lại kết quả bất hạnh và đau khổ cho mình và người, ở hiện tại và tương lai.
Sám hối, do vậy, không phải là xưng tội trước Phật và Bồ Tát để được các Ngài tha tội, mà là thể hiện thái độ hồi đầu bằng cách làm các việc thiện không mệt mỏi, để “tự rửa tội.” Các động cơ và hành vi thiện lành sẽ là các đối lực mãnh liệt, để triệt tiêu các hành vi tội lỗi trong quá khứ; nhờ đó, con người được thanh tịnh, hiền thiện và thánh hoá ở hiện tại và tương lai.
Nếu phàm làm người, không ai có thể tránh khỏi tội lỗi và sai lầm, thì sám hối là việc không thể thiếu cho đời sống đạo đức của bản thân, cộng đồng và xã hội. Hi vọng nghi thức này có thể giúp ích cho người Phật tử “làm mới” đời sống đạo đức và tâm linh của chính mình.